Vận May Gõ Cửa - chương 1 full
Chương 1
Tuyết rơi trắng xóa, tựa như những chiếc lông ngỗng tuyệt đẹp.
Khung cảnh phủ đầy tuyết thật vô cùng bắt mắt, nhưng cũng lạnh lẽo vô cùng.
Trong tiết trời băng giá như thế, mẫu thân lại chưa từng có tiền lệ dẫn ta vào thành để đi chợ phiên.
Ta nhìn mẫu thân, bảo rằng: “Lạnh quá, con không muốn đi.”
Mẫu thân cười, bảo ta: “Đường Đường, mẫu thân dẫn con đi chợ phiên, náo nhiệt lắm đấy.”
Thế nhưng, chợ phiên giữa mùa đông lại chẳng hề náo nhiệt như mẫu thân nói.
Dẫu vậy, ta cũng được nếm thử xiên kẹo hồ lô đỏ au, thứ mà nha đầu béo ở đầu làng Đông đã từng ăn.
Quả nhiên, chua chua ngọt ngọt, ngon vô cùng.
Mẫu thân dắt tay ta đến góc tường khuất gió, nói rằng: “Đường Đường, mẫu thân phải đi đến đằng xa kia để mua đồ. Trời lạnh quá, con ở góc này tránh gió, vừa ăn kẹo vừa đợi mẫu thân nhé.”
Ta ngước nhìn mẫu thân: “Mẫu thân, con muốn đi theo người.”
Mẫu thân lập tức sa sầm mặt, lớn tiếng quát: “Con mà không nghe lời, tối nay đừng hòng có cơm ăn!”
Ta sợ hãi cúi đầu, ngoan ngoãn đáp: “Con sẽ ở đây đợi mẫu thân trở về.”
Mẫu thân hài lòng, bảo: “Thế mới ngoan.”
Ta đứng ở góc tường, vừa ăn kẹo hồ lô vừa dõi theo bóng dáng mẫu thân dần khuất trong gió tuyết.
Cách đây một năm, từ khi đệ đệ ra đời, thái độ của phụ mẫu đối với ta đã thay đổi.
Họ không còn mua quà vặt cho ta, cũng không sắm cho ta y phục mới. Thậm chí thỉnh thoảng còn quát mắng và đánh đập ta.
Có lúc họ còn nhốt ta vào phòng chứa củi, chẳng cho ăn uống gì.
Người trong làng mỗi lần gặp phụ mẫu ta, đều bảo: “Con bé Đường Đường nhà các người thật ngoan ngoãn nghe lời.”
Thế nhưng cũng có kẻ thở dài: “Haizz, đứa trẻ được nhặt về sao bằng con ruột chứ!”
Ta biết mình không phải con ruột của họ.
Vậy nên, dù phụ mẫu có đánh mắng hay không cho ta ăn, ta vẫn luôn ngoan ngoãn vâng lời.
Vì họ đã cho ta một gia đình.
Cho ta được làm một đứa trẻ có gia đình.
Ta vô cùng biết ơn họ.
Thời gian trôi qua, rất lâu, rất lâu.
Mẫu thân vẫn chưa quay trở lại.
Ta đứng đến mức hai chân tê dại, bèn ngồi thụp xuống, tiếp tục đợi trong cơn gió tuyết buốt giá.
Người đi đường đều nhìn về phía ta.
Có những vị đại thẩm, đại thúc đi ngang bàn tán: “Đứa trẻ nhà ai vậy? Mặc phong phanh thế này, không sợ bị rét đến hỏng người sao?”
“Lại đứng đây đã lâu thế này, liệu có phải bị gia đình bỏ rơi không?”
Từ góc đối diện, bà lão bán đậu hũ vẫy tay về phía ta, nói: “Con ơi, lại đây ngồi chờ với bà, ở đây ấm hơn nhiều.”
Thế nhưng, ta chỉ lắc đầu.
Ta sợ nếu chuyển sang chỗ khác, mẫu thân sẽ không tìm thấy ta.
Trời càng lúc càng tối, người trên phố cũng dần thưa thớt.
Mẫu thân vẫn chưa quay lại.
Bà lão bán đậu hũ đã dọn hàng xong, cầm một chiếc nón lá phủ lên người ta, thở dài: “Tội nghiệp con bé quá! Nếu đã định bỏ rơi, chi bằng đưa vào thanh lâu… còn hơn là để chec rét như thế này.”
Ta lạnh đến mức không còn động đậy nổi, cảm kích mà không thốt nên lời.
Bà ấy lại nói: “Nhà bà đã có bốn đứa con, nuôi thêm con nữa không nổi. Đành xem số phận của con thôi!”
Bà ấy lắc đầu, thở dài một tiếng đầy bất lực rồi rời đi.
Có lẽ đến sáng mai, nơi này sẽ có thêm một đứa bé gái bị đông cứng đến chec.
Trong màn đêm sâu thẳm và tịch mịch, ta như đã chec đi một lần.
Cho đến khi cơ thể dần cảm nhận được sự ấm áp trở lại.
“Con bé tỉnh rồi, giờ chắc hẳn là vừa lạnh vừa đói. Lão nhị, mau mang bát cháo đang hâm nóng ra đây.”
Ta từ từ mở mắt, đập vào tầm nhìn là khuôn mặt hiền hậu của một người phụ nữ.
“Con tỉnh rồi? Không có sức để nói phải không? Vậy đừng nói, ăn chút cháo nóng trước đã.”
Bà từng muỗng, từng muỗng cháo đút ta ăn.
Ta đang ở trong một “gia đình” xa lạ.
“Đa tạ đại nương.” Ta quỳ xuống, dập đầu cảm tạ bà.
Bà nhanh chóng lấy chiếc chăn bông quấn chặt lấy ta: “Đừng để nhiễm lạnh thêm nữa.”
Một người ca ca có gương mặt tròn trịa, đáng yêu, rướn người đến gần hỏi: “Tiểu muội muội, sao lại đứng ở ngoài đường chịu rét thế? Muội sắp đóng thành tảng băng rồi đấy, may mà phụ mẫu ta đi ngang qua thấy nên mới đưa muội về, nếu không muội đã chec cóng trên phố rồi.”
Ta ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.
Trời đã sáng.
Người phụ nữ hỏi: “Gia đình con đâu?”
Ta lắc đầu, nước mắt làm nhòe tầm nhìn: “Con không có nhà… không còn nhà nữa rồi.”
Ta kể lại hoàn cảnh của mình cho họ nghe.
Ta vốn là một đứa trẻ được nhặt về nuôi.
Giờ đây, một lần nữa, ta lại trở thành đứa trẻ bị bỏ rơi.
Chương 2
Người phụ nữ ôm lấy ta, xót xa nói: “Đứa trẻ tội nghiệp! Có lẽ cha mẹ nuôi của con ngày trước nhận nuôi con, tích đức làm phúc, rồi sau đó mới có được con trai. Thế nhưng, khi có con trai rồi lại nhẫn tâm bỏ con…”
Thấy ta buồn bã, bà ngừng nói, không muốn làm ta thêm đau lòng.
Thật ra, ta hiểu hết.
Chỉ là, ta từng nghĩ rằng, sau sáu năm nuôi dưỡng, phụ mẫu sẽ không nỡ lòng nào bỏ ta.
“Lại đây, ăn chút bánh kếp này.”
Một người đàn ông râu rậm bưng một đĩa bánh bước vào, bày ra chiếc bàn gỗ.
“Con à, hãy quên chuyện cũ đi!”
Người phụ nữ ôm lấy ta, nhẹ nhàng vuốt ve mái tóc.
Bà nói ta và cha mẹ nuôi có duyên tương ngộ, nay chia lìa tức là duyên đã tận.
Bà còn bảo, gặp gỡ gia đình bà cũng là một loại duyên phận khác.
Bà đưa cho ta một miếng bánh kếp, rồi cùng đại thúc bước ra ngoài.
Chẳng bao lâu, họ quay lại.
Bà ngồi xuống cạnh ta, dịu dàng nhìn ta rồi nói: “Nhà chúng ta không phải phú quý, nhưng cũng không thiếu miếng ăn. Chúng ta sẽ yêu thương con như con ruột của mình. Con có muốn ở lại đây làm con gái của ta không?”
Nghe đến đây, ta vội vàng gật đầu: “Dạ, con muốn, con muốn!”
“Thế là con có muội muội rồi sao?”
Người ca ca lúc nãy cười tươi, hớn hở nói: “Mẫu thân ơi, con đến nhà ngoại tổ phụ gọi đại ca, tam đệ và tứ đệ về nhé!”
“Phụ thân, mẫu thân, nghe nói chúng con có muội muội rồi sao?”
“Muội muội đâu rồi?”
Ngay lập tức, ba người ca ca đồng loạt ùa vào trong nhà.
Bọn họ cùng lúc chen đến bên mép giường, tươi cười rạng rỡ nhìn ta.
“Đây là muội muội phải không?”
Ta bị họ nhìn đến mức trong lòng có chút hoảng loạn, rụt rè nói: “Đại ca, tam ca, tứ ca… chào các huynh.”
“Chào muội!”
“Muội muội chào hay lắm!”
“Muội muội cũng rất ngoan!”
Bọn họ cười càng thêm vui vẻ.
Người ca ca ta đã gặp trước đó bỗng nhíu mày, lên tiếng: “Muội vẫn chưa gọi ta đâu đấy.”
“Nhị ca?”
“Đúng rồi, đúng rồi, muội muội ngoan!”
Nhị ca bật cười lớn, đặt vào lòng bàn tay ta một viên kẹo.
Phụ mẫu mới của ta nói rằng sẽ giữ lại tiểu danh “Đường Đường” cho ta.
Rồi lấy họ của họ để đặt cho ta một cái tên mới.
Họ của họ là Thẩm.
Phụ thân tên là Thẩm Nghị.
Mẫu thân tên Lâm Hoan.
Đại ca gọi là Thẩm Vọng.
Nhị ca tên Thẩm Viễn.
Tam ca là Thẩm Vũ.
Tứ ca là Thẩm Hạo.
Còn ta, được đặt tên là Thẩm Niệm.
Các ca ca đều rất yêu thương ta.
Đại ca dành dụm chút tiền lẻ, đem hết cho ta.
Nhị ca thì tặng cho ta những món đồ chơi do chính huynh ấy làm.
Tam ca thường thi đấu vật tay với người khác, những viên kẹo thắng được đều cho ta hết.
Tứ ca bảo rằng sau này nếu có đi chơi đâu, sẽ dẫn ta đi cùng.
Mẫu thân là một thợ thêu khéo léo.
Mấy ngày sau, bà lấy những bộ y phục cũ của mình, cắt may lại thành hai bộ mới vừa vặn với ta.
Lo rằng y phục may lại sẽ không đẹp, bà còn thêu thêm hoa văn tinh tế, trông thật khéo léo và bắt mắt.
“Về rồi sao?”
Ta đang giúp mẫu thân nhóm lửa, vừa nấu xong bữa tối thì phụ thân trở về.
Phụ thân ta là một người bán hàng rong với cái chân khập khiễng.
Tối hôm đó, do đau chân, người trằn trọc cả đêm không ngủ được.
Mẫu thân vừa lo lắng vừa xót xa, cũng thức trắng đêm theo phụ thân.
Ta, khi ấy mới sáu tuổi, và tứ ca tám tuổi, cùng ngủ trong phòng của phụ mẫu.
Đêm khuya, ta ngủ rất chập chờn, nghe thấy tiếng phụ mẫu nói chuyện nhỏ nhẹ.
Mẫu thân thở dài: “Chân của chàng vẫn chưa khỏi hẳn, vết thương cũ chưa lành. Bây giờ, mỗi ngày chàng đều đi trong băng tuyết, quanh quẩn khắp làng trên xóm dưới để bán hàng, e rằng bệnh sẽ càng nặng thêm… Ta nghĩ ngày mai chàng tạm nghỉ một thời gian, đợi đến mùa xuân rồi hẵng tính tiếp.”
Phụ thân cương quyết từ chối: “Không được đâu. Dù việc buôn bán ngày càng khó khăn, nhưng nhà mình nhiều miệng ăn như thế, nếu ta không ra ngoài kiếm tiền thì mùa đông này chúng ta biết phải sống thế nào?”
Sáng hôm sau, phụ thân dậy sớm để chuẩn bị ra ngoài.
“Phụ thân.”
Ta trèo xuống giường, bước theo người.
“Sao Đường Đường lại dậy sớm thế này?”
Ông mỉm cười, đội cho ta chiếc mũ bông, rồi nói: “Con mau về ngủ tiếp đi. Mẫu thân nấu xong bữa sẽ gọi các con dậy.”
Phụ thân bước đi, uống một bát cháo loãng còn sót lại từ hôm qua mà mẫu thân đã hâm nóng.
Ta theo sát sau lưng.
“Con sao vậy?”
Cuối cùng, người cũng nhận ra ta có điều muốn nói, bèn ngồi xổm xuống nhìn ta.
Ta hỏi: “Phụ thân, người có biết thôn Trường Lưu không?”
Người đáp: “Biết chứ, cách nhà mình vài thôn thôi.”
Ta lại hỏi: “Xa lắm không?”
Người ngập ngừng một chút, rồi mỉm cười lắc đầu: “Không xa lắm. Đường Đường muốn đến đó sao?”
Ta biết người đã đoán ra.
“Phụ thân, con có thể đi bán hàng cùng người không?”
“Đi thôn Trường Lưu à? Cũng được, đã lâu rồi phụ thân chưa đến đó.”
Chương 3
Phụ thân bảo mẫu thân luộc vài củ khoai lang để cho chúng ta mang theo.
Ta ăn khoai lang nóng hổi, cùng phụ thân ra ngoài.
Phụ thân muốn cõng ta, nhưng ta không đồng ý.
Người đã khập khiễng lại còn phải mang theo hàng hóa. Nếu cõng thêm ta, chắc chắn sẽ rất mệt mỏi.
Người nói: “Giá mà chân phụ thân không bị thương thì cõng theo hàng và con cũng chẳng hề gì!”
Ta ngước mắt nhìn phụ thân, mỉm cười nói: “Phụ thân, chân của người nhất định sẽ khỏi thôi!”
Người chỉ cười, không nói gì thêm.
Hôm nay trời không có tuyết, thời tiết cũng ấm hơn một chút.
Đến giờ Thìn, chúng ta đã đến thôn Trường Lưu.
Mùa đông không có việc làm đồng, người trong thôn đều nhàn rỗi.
“Có cần mua xiên kẹo hồ lô cho bọn trẻ không, đại ca?”
“Huynh đệ, ta làm mẻ bánh đậu đen mới, ngọt ngào mềm mịn, giá rẻ lắm, có mua chút không?”
Phụ thân dẫn ta đi, ghé từng nhà một để bán hàng.
Nhưng rất ít người mua.
“Phụ thân, lạnh thế này mà cứ đi mãi cũng không được. Để con dẫn người đến chỗ này, chúng ta thử bán theo cách khác xem.”
Ta dẫn phụ thân đến dưới gốc cây đa lớn, nơi nhộn nhịp nhất thôn Trường Lưu.
Ta lấy nón cỏ cài lên cành cây để chắn gió.
Gió lạnh ngừng thổi, thân thể dần ấm lại, sức lực cũng trở nên mạnh mẽ hơn.
Ta đứng trên một tảng đá lớn, cất tiếng rao: “Kẹo hồ lô ngọt lịm, bánh đường thơm lừng, vừa ngon vừa rẻ, ngon hơn bánh ở trong thành, giá lại thấp hơn đây!”
Ta rao đi rao lại vài lần.
Chẳng mấy chốc, các ông bà, đại thúc, đại thẩm, cùng một đám trẻ con từ quanh đó ùn ùn kéo đến.
Trước khi ra ngoài, mẫu thân lo ta bị lạnh nên đã đội cho ta chiếc mũ bông, rồi quấn khăn len quanh đầu và mặt nhiều vòng.
Ta được quấn kín đến mức chỉ chừa lại đôi mắt to tròn, long lanh, giọng nói cũng vì thế mà thay đổi.
Ở thôn Trường Lưu, không một ai nhận ra ta.
“Đại thẩm ơi, mua thêm hai xiên kẹo hồ lô nữa nhé? Mua năm xiên sẽ được tặng một miếng kẹo đậu phộng đấy!”
Kẹo đậu phộng được làm từ đậu phộng nghiền và bột khoai lang chiên lên.
Chi phí cực kỳ rẻ.
Nhưng nhiều người thường có tâm lý thích được tặng quà kèm khi mua đồ.
Vương đại nương, người đang mua kẹo hồ lô, nhà có ba người con trai và hai người con gái.
Bà luôn trọng nam khinh nữ, chỉ muốn mua kẹo cho con trai ăn.
Thấy mua thêm hai xiên nữa là có thể được tặng quà, bà cũng có thể tự ăn chút quà vặt.
Bà bắt đầu đắn đo.
Khi phụ thân ta nói rằng mua năm xiên kẹo hồ lô sẽ được tặng hai miếng kẹo đậu phộng, bà lập tức móc tiền ra mua ngay!
“Tỷ tỷ ơi, tỷ thật xinh đẹp!”
Vương Tiểu Đào, người được mệnh danh là hoa khôi của thôn, rất thích làm đẹp.
Nghe ta khen ngợi, nàng mỉm cười, nhưng ta nhanh chóng nói thêm: “Nhưng gió lạnh mùa đông rất hại cho da. Tỷ tỷ có muốn mua một hộp cao hoa lê không? Loại này dưỡng da vừa thơm vừa rẻ. Ở trong thành, một hộp có giá một đến hai lượng bạc, còn nhà ta chỉ bán năm mươi văn một hộp thôi!”
Nghe đến việc giữ cho làn da đẹp chỉ với năm mươi văn tiền, Vương Tiểu Đào không khỏi động lòng.
Cao hoa lê là bí phương gia truyền của nhà họ Thẩm, có tác dụng dưỡng da và chống nứt nẻ cực kỳ hiệu quả.
Ta gặp ai, đều nói lời hợp ý với người đó.
Chưa đến giờ Ngọ, toàn bộ hàng hóa mang theo đã bán hết sạch!
Phụ thân tươi cười rạng rỡ, nói: “Đường Đường giỏi quá! Chưa đến nửa ngày đã bán hết chỗ hàng mà bình thường phải mất sáu, bảy ngày mới bán xong!”
Thực phẩm như kẹo, bánh nếu bán không hết, thường được để lại cho gia đình ăn.
Còn các món như cao hoa lê và son dưỡng thì bán không hết cũng vẫn để dành được.
Nhưng lần này, toàn bộ hàng mới nhập về đều đã được bán sạch!
Hai mươi xiên kẹo hồ lô, mỗi xiên năm văn tiền.
Bánh đậu đen, bánh đậu phộng, bánh quế hoa tổng cộng hai trăm miếng, hai miếng một văn tiền, có loại làm quà tặng khi mua kèm kẹo hồ lô.
Năm hộp cao hoa lê, mỗi hộp giá năm mươi văn tiền.
Hai mươi thỏi son dưỡng, mỗi thỏi mười văn tiền, một số được tặng kèm khi mua cao hoa lê.
Mười cây nến, ba văn tiền một cây.
Tất cả đều là do phụ mẫu ta tự tay làm.
Tổng cộng bán được sáu trăm ba mươi văn tiền.
Phụ thân nói, chi phí bỏ ra chỉ tốn một nửa, tức là đã kiếm được gấp đôi!
“Huynh à, con gái nhà huynh cũng tên là Đường Đường à?”
Một người dân trong thôn, người cuối cùng rời đi, hỏi phụ thân.
Phụ thân gật đầu, hỏi lại: “Sao vậy?”
Người đó gãi đầu, đáp: “Thôn này trước đây có một gia đình, cũng có một cô con gái tên là Đường Đường, nhưng đã mất tích cách đây ít lâu.”
Ta ngước mắt, nhìn về phía Ngưu Nhị thúc.
Ông là hàng xóm của cha mẹ nuôi trước đây của ta.
“Phì! Chỉ có huynh là tin lời lừa gạt của Đường đại tẩu!”
Ngưu Nhị thẩm bước tới, kéo tai Ngưu Nhị thúc rồi trách mắng: “Cô ta nói dẫn Đường Đường vào thành, bảo rằng Đường Đường thèm ăn, nên bị lão bán kẹo hồ lô lừa đi mất, cả ngày tìm kiếm cũng không thấy. Nhưng ta nói cho huynh hay, cả cái thôn này, ngoài huynh ra, ai cũng biết cô ta cố ý dẫn đứa nhỏ vào thành để bỏ rơi!”
Chương 4
“Chuyện đã qua rồi, đừng buồn nữa.” Phụ thân nhẹ nhàng xoa đầu ta.
Khi về nhà, phụ thân nhất quyết muốn cõng ta.
Ta không đành lòng, nhưng cũng không cãi lại được, đành để người cõng ta một đoạn đường.
Người cõng ta, bước từng bước khập khiễng trên con đường tuyết phủ trắng xóa.
Trời giá rét, nhưng trong lòng ta lại cảm thấy ấm áp vô cùng.
Hải Thành có tổng cộng mười chín thôn.
Thôn của chúng ta nằm ở rìa Hải Thành, rất gần.
Phụ thân bảo rằng, nguyên liệu để làm hàng đã hết, phải vào thành mua thêm.
Đến giờ Thân, chúng ta quay trở lại Hải Thành.
Phụ thân dẫn ta vào một tiệm mì, mua cho ta một bát canh mì nóng hổi.
“Phụ thân, người cũng ăn đi.”
“Đường Đường ăn đi, phụ thân không đói.”
Ta nói: “Phụ thân, chúng ta vẫn còn hai củ khoai lang mà, canh mỳ nóng thế này, chúng ta chia đôi mỗi người nửa bát, rồi mỗi người ăn một củ khoai, được không ạ?”
Người mỉm cười, gật đầu: “Được.”
Người gọi chủ quán lấy thêm một chiếc bát, chia canh ra làm hai phần.
Chủ quán nhìn thấy vậy, liền hào phóng rót thêm cho chúng ta một bát nước canh lớn nữa.
“Đa tạ ông chủ.”
“Đa tạ đại thúc.”
Chủ quán cười, chỉ vào ta rồi nói: “Con gái của huynh xinh xắn quá, khuôn mặt phúc hậu, đáng yêu lắm!”
Rời khỏi tiệm mì, ta theo phụ thân đi mua đồ.
Sau khi mua xong nguyên liệu, chúng ta còn mua hai bao gạo và một cân thịt ba chỉ.
Chợ trong thành có xe lừa cho thuê, giá cả dựa trên quãng đường.
Lần này mua khá nhiều đồ, chúng ta thuê một chiếc xe lừa để về nhà.
Khi về đến nhà, mẫu thân đang ở trong bếp chuẩn bị bữa tối.
Phụ thân nói: “Hôm nay cho mẫu thân con một bất ngờ nhé!”
Ta và các ca ca mang đồ vào trong nhà cất, rồi rón rén bước đến ngoài cửa bếp, lặng lẽ nhìn trộm.
Phụ thân bước vào bếp, thở dài một tiếng: “Ôi!”
Mẫu thân vừa thêm củi vào lò vừa an ủi: “Trời lạnh thế này, nhà nào cũng phải dè sẻn để qua mùa đông, ai mà nỡ chi tiền chứ? Không bán được hàng cũng là chuyện dễ hiểu thôi.”
“Nhưng mà, trong chum gạo chẳng còn hạt nào nữa!”
Mẫu thân lập tức im lặng. Một lúc lâu sau, bà khẽ cười buồn, nói: “Vẫn còn một ít khoai khô, hai phu thê chúng ta nhịn ăn một chút, để dành cho bọn trẻ. Cố gắng cầm cự được bao lâu thì cầm cự…”
Nhưng bà cũng hiểu rằng không thể chịu đựng lâu thêm được nữa, trong lòng dâng lên nỗi chua xót, không kiềm được nước mắt.
Bỗng “bịch” một tiếng!
Một giỏ tre được ném xuống ngay sau lưng mẫu thân.
Nghe tiếng, mẫu thân quay lại, vừa cúi xuống cầm giỏ lên vừa càu nhàu: “Lại là đứa nhóc nào nghịch ngợm phá phách nữa đây…”
Nhưng khi nhìn kỹ thứ bên trong giỏ, đôi mắt bà không khỏi trợn tròn, kinh ngạc thốt lên: “Thịt lợn… ở đâu ra thịt lợn thế này?!”
“Haha!” Phụ thân ta cười lớn.
“Chàng mua thịt sao?” Mẫu thân ngạc nhiên ngẩng đầu lên, nhìn thấy phụ thân đang cười vui vẻ, bèn vừa ngạc nhiên vừa lo lắng hỏi: “Sao chàng lại mua thịt? Nhà mình còn không đủ tiền mua gạo… Không đúng, chàng lấy tiền đâu ra để mua thịt?”
Phụ thân cười, nắm lấy tay mẫu thân, như đang làm ảo thuật, nhét vào tay bà một túi tiền.
Mẫu thân nắn nắn túi tiền trong tay, đôi mắt càng mở to hơn, hỏi: “Phụ thân bọn trẻ, chàng… chàng nhặt được tiền à?”
Phụ thân vẫn cười, không nói gì.
“Rốt cuộc là sao? Đừng giấu ta nữa!” Mẫu thân bị thúc ép, lo lắng hỏi.
Phụ thân vỗ nhẹ tay bà để trấn an, rồi vui vẻ nói: “Nhờ phúc của con gái chúng ta, hôm nay hàng đã bán hết sạch rồi!”
Mẫu thân kinh ngạc, thốt lên: “Toàn bộ hàng hóa… đều đã bán hết sao?”
Phụ thân cười gật đầu: “Đúng vậy, đã bán hết sạch.”
Mẫu thân quay sang nhìn ta, cười tươi, vẫy tay: “Đường Đường, lại đây với mẫu thân.”
Ta lon ton chạy tới.
Mẫu thân cúi xuống, nhìn ta hỏi: “Con làm thế nào mà bán được hết hàng vậy?”
Ta kể lại toàn bộ quá trình cho mẫu thân nghe.
Nghe xong, bà vô cùng vui mừng, cười nói: “Hóa ra, Đường Đường chính là tiểu phúc bảo mà trời cao ban cho chúng ta.”
Phụ thân nói: “Đúng vậy, thế nên mau nấu món ngon cho tiểu phúc bảo của chúng ta đi!”
Thế nhưng, một cân thịt thực sự không đủ cho mỗi người hai miếng.
Mẫu thân bèn băm nhỏ thịt ba chỉ, trộn với một ít rau cần muối, làm món thịt băm kho.
Lần này, bà cũng không tiếc gì mà nấu thêm một nồi cơm gạo trắng.
Mỗi người chúng ta có một bát cơm đầy, bên trên rưới thêm thịt băm và nước sốt.
Chỉ một miếng đầu tiên, hương vị thịt thơm lừng lan tỏa trong miệng, thật là ngon không tả xiết.
“Ngon quá!” Tứ ca vừa nói vừa xúc một muỗng thật lớn.
Nhị ca và tam ca gật đầu đồng tình: “Thơm quá!”
Đại ca nhìn ta, cười nói: “Cảm ơn muội muội, nhờ có muội mà chúng ta mới được ăn cơm thịt thơm ngon như thế này!”
Ta cười híp cả mắt, nhìn mẫu thân với vẻ ngưỡng mộ, nói: “Nhờ tài nấu nướng của mẫu thân đấy chứ!”
Ngọn lửa trong bếp cháy rực rỡ, khiến cả người chúng ta ấm áp, và lòng cũng trở nên ấm cúng vô cùng.
Chương 5
Ngày hôm sau, cả gia đình ta lại bắt đầu tất bật chuẩn bị hàng hóa mới.
Ngày đầu tiên, chúng ta làm cao hoa lê, nến và son dưỡng môi.
Những món này cần hai ngày để hoàn thành từng bước.
Dựa vào thời tiết hiện tại và tình hình bán hàng lần trước, ta gợi ý phụ thân và mẫu thân làm nhiều cao hoa lê hơn.
Ngày thứ hai, buổi sáng chúng ta làm kẹo hồ lô, buổi chiều thì làm các loại bánh.
Buổi tối, ta nói với mẫu thân: “Mẫu thân, người có thể thêu thêm những đôi tất, khăn tay và khăn quàng cổ đẹp mắt, chúng ta sẽ đem đi bán cùng.”
Dạo này, hầu hết các gia đình đều biết may vá, đặc biệt là các nữ nhân trong nhà nông không thường dùng đến khăn tay.
Ta sợ những món đồ mà mẫu thân thêu khó mà bán được.
Tuy nhiên, hiện tại trời đang lạnh, tất và khăn quàng cổ có lẽ sẽ bán được.
Mẫu thân nghe thấy vậy, vô cùng tán đồng, nói: “Ý hay đó! Trong tay ta còn ít tiền, mai ta sẽ tranh thủ đi mua vải về làm thử.”
Lần này hàng hóa còn nhiều hơn cả lần trước.
Hai mươi hộp cao hoa lê.
Hai mươi xiên kẹo hồ lô.
Hai mươi thỏi son dưỡng môi.
Hai mươi cây nến.
Năm loại bánh: bánh đậu đen, bánh đậu phộng, bánh bí ngô, bánh quế hoa, bánh đậu đỏ, tổng cộng một trăm miếng.
Thôn của chúng ta tên là thôn Lục Hợp.
Nhà trưởng thôn có xe lừa.
Ta đề nghị phụ thân và mẫu thân thuê xe lừa của trưởng thôn để sử dụng.
Thứ nhất, phụ thân sẽ không bị lạnh đến mức đau chân.
Thứ hai, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian di chuyển và bán hàng được ở nhiều thôn hơn.
Phụ thân và mẫu thân thấy ý kiến của ta hợp lý, bèn hỏi trưởng thôn về giá thuê xe lừa.
Hiện tại đang là mùa đông, xe lừa của nhà nông phần lớn đều để không.
Trưởng thôn tính giá thuê cho chúng ta rất rẻ, chỉ mười văn tiền một ngày.
Có xe lừa, chúng ta vừa thoải mái vừa tiết kiệm thời gian.
Vì vậy, chúng ta bắt đầu bán hàng từ những thôn lân cận, từ gần đến xa.
Khi nào bán hết hàng, chúng ta sẽ quay về nhà.
Lần này, chúng ta sử dụng bánh ngọt làm “quà tặng,” nhằm tăng cường sự thu hút của khách hàng.
Có lẽ là do cách làm của ta hiệu quả, hoặc cũng có thể do vận may.
Chưa đến giờ Ngọ, chúng ta đã đi qua ba thôn và bán hết sạch hàng.
Trừ đi số bánh dùng làm quà tặng, tổng cộng chúng ta thu được một lượng ba trăm tám mươi sáu văn tiền.
Trong đó, lợi nhuận từ cao hoa lê là cao nhất.
Một hộp cao hoa lê có giá bán năm mươi văn, nhưng chi phí chỉ tốn mười văn.
Đến thôn thứ hai thì cao hoa lê đã được bán hết.
Quả nhiên, phụ nữ ai cũng thích làm đẹp!
Chúng ta cần tăng thêm số lượng cao hoa lê cho lần sau.
Giống như ngày hôm qua, ta và phụ thân lại vào thành.
Người nói rằng lần này lợi nhuận thu về được hơn một lượng bạc.
Người chấp nhận đề xuất của ta, mua thêm nhiều nguyên liệu để làm cao hoa lê.
Sau khi mua xong nguyên liệu, chúng ta còn mua thêm một con vịt và một con cá béo ngậy.
Mẫu thân nhìn thấy chúng ta mang cả xe hàng hóa về nhà, liền biết ngay hôm nay cũng là một ngày buôn bán thắng lợi.
Bà vui vẻ nói: “Tối nay chúng ta ăn cá kho và canh vịt hầm đậu nành!”
Tài nấu nướng của mẫu thân thật tuyệt vời.
Bữa tối hôm nay còn ngon hơn cả tối hôm qua!
Lần này, cả nhà ta tất bật suốt bốn ngày liền.
Chúng ta làm được bốn mươi hộp cao hoa lê, năm mươi thỏi son dưỡng môi, năm mươi xiên kẹo hồ lô, và một trăm cây nến.
Ngoài ra, còn có hai trăm miếng bánh các loại như bánh đậu đen, bánh đậu phộng, bánh bí ngô, bánh quế hoa, và bánh đậu đỏ.
Ta và phụ thân lại một lần nữa đi bán hàng từ các thôn lân cận đến xa hơn.
Lần này, buổi sáng chúng ta đi qua ba thôn, buổi chiều thì thêm hai thôn nữa.
Đến khi trời nhá nhem tối, chỉ còn lại hai hộp cao hoa lê, vài thỏi son dưỡng môi, hơn hai mươi cây nến, và chừng mười mấy miếng bánh.
Tổng cộng bán được hai lượng chín mươi bốn văn tiền, lợi nhuận khoảng một lượng tám.
“Phụ thân, chúng ta đã có tiền rồi. Sau Tết, phụ thân và tứ ca hãy vào thành khám bệnh.”
Phụ thân bị thương ở chân, vết thương cũ chưa lành.
Tứ ca thì mắc bệnh về mắt từ khi sinh ra, thị lực rất kém, nhìn mọi thứ đều mờ mịt.
Vì sao phải đợi sau Tết?
Bởi vì phụ thân là người bán hàng rong, chỉ khi mùa đông đến, trời lạnh giá, việc vào thành trở nên khó khăn với nhà nông, thì mới dễ bán hàng quanh các thôn làng được một thời gian.
“Được rồi, cảm ơn Đường Đường.”
Phụ thân nói rằng lúc đầu người nghĩ chính họ đã cứu ta, nhưng giờ đây lại cảm thấy chính ta đã cứu họ.
Ta mỉm cười nói: “Phụ thân, chúng ta là đang cứu lẫn nhau mà!”
Phụ thân bật cười ha hả: “Đúng đúng, con gái nói đúng!”
Ta vỗ ngực, tự tin nói: “Phụ thân yên tâm, con nhất định sẽ dẫn dắt cả nhà chúng ta phát tài!”
Chương 6
Phụ thân nhẹ nhàng vỗ lên đầu ta, nói: “Chuyện kiếm tiền, cứ để người lớn lo. Đợi đến mùa xuân, phụ thân sẽ tìm thầy cho con học chữ.”
Ta lắc đầu: “Con còn nhỏ, có tiền thì trước tiên nên để các ca ca vào học ở tư thục. Các huynh ấy học chữ, sau đó về dạy lại cho con, vậy có thể tiết kiệm được tiền mời thầy.”
Nghe vậy, phụ thân chỉ mỉm cười nhưng không đồng ý ngay.
Sau khi về nhà, ta đề xuất việc thuê người làm.
Ta nói rằng, chúng ta có thể dùng tiền thuê đại cữu mẫu và nhị cữu mẫu đến giúp làm hàng.
Ngoại tổ mẫu và gia đình của người luôn đối đãi với chúng ta rất tốt.
Khi biết phụ thân và mẫu thân nhận nuôi ta, họ không những không ngăn cản mà thỉnh thoảng còn gửi đồ ăn đến.
Tuy nhiên, vào mùa đông, trời lạnh giá, mọi người không thể ra đồng làm việc, họ cũng phải lo cho cuộc sống gia đình.
Vì vậy, đại cữu mẫu và nhị cữu mẫu đến giúp đỡ, tiền công được trả ngay trong ngày, mỗi người mười văn.
Ta và phụ thân vẫn đảm nhiệm việc đi bán hàng.
Xung quanh Hải Thành có tổng cộng mười chín thôn, chỉ mất khoảng sáu bảy ngày, chúng ta đã đi khắp cả các thôn.
Ta nói: “Phụ thân, dạo này việc bán hàng không còn thuận lợi nữa. Chúng ta nên đổi địa điểm thôi.”
“Đổi đi đâu?”
“Vào thành.”
Phụ thân lại cho rằng người trong thành đã có sẵn hàng hóa để mua.
Nhưng ta không nghĩ vậy.
Thời tiết càng lúc càng lạnh, nếu như là ta, có người giao hàng tận nơi và giá lại rẻ hơn so với ra ngoài mua, ta chắc chắn sẽ chọn giao hàng tận nhà.
Phụ thân suy nghĩ một lát, thấy cũng có lý.
Ngày hôm sau, chúng ta bắt đầu thử nghiệm.
Tuy nhiên, khác với việc bán hàng trong thôn, lần này chúng ta phải kéo xe lừa, đi hỏi từng nhà một.
Ta còn chuẩn bị sẵn một cuốn sổ.
Phụ thân biết chữ, có thể ghi lại nhu cầu của từng nhà nếu họ cần đặt hàng hay thứ gì khác, rồi hẹn thời gian giao hàng.
Ngoài ra, ta còn giới thiệu cho các nữ chủ nhân trong thành về những món đồ do mẫu thân ta thêu như tất, khăn quàng và áo yếm.
Dưới lời lẽ khéo léo của ta, những món đồ này cũng bán được một ít.
Rốt cuộc, dịch vụ chu đáo tận nhà, ai mà không thích chứ?
Cả nhà ta đều ngạc nhiên vô cùng!
Họ thực sự không thể hiểu nổi, sao một đứa trẻ như ta lại có đầu óc linh hoạt đến vậy?
Ta chỉ cười đáp: “Chắc đây là thiên phú!”
Nhờ cách làm này, tiền kiếm được ngày càng nhiều, nhưng cũng bận rộn hơn.
Thế nên, đại cữu và nhị cữu cũng tham gia giúp đỡ chúng ta.
Phụ thân bỏ ra mười lượng bạc, mua một con lừa béo mới và một chiếc xe.
Ta đi cùng đại cữu, còn phụ thân thì đi cùng nhị cữu.
Chúng ta chia thành hai nhóm để buôn bán.
Thấm thoắt, đã một tháng đã trôi qua, năm mới đang đến gần.
Chúng ta gấp rút chuẩn bị, hoàn thành những đơn hàng Tết mà người trong thành đã “đặt trước” suốt thời gian qua.
Khoảng bảy tám ngày trước Tết, chúng ta bắt đầu vừa bán đồ Tết vừa giao hàng.
Ta và đại cữu chịu trách nhiệm trong thành, còn phụ thân và nhị cữu lo việc ở các thôn làng.
Đến chiều tối ngày ba mươi Tết, chúng ta trở về nhà trong bóng đêm.
Dù mệt nhoài, nhưng năm nay, chúng ta đã có một cái Tết “no đủ.”
Mẫu thân mua rất nhiều pháo hoa và pháo trúc.
Họ bảo ta đi đốt pháo hoa.
Dù chỉ là loại pháo hoa rẻ tiền, nhưng khi nó bay vút lên bầu trời, vẫn tỏa sáng rực rỡ.
Mẫu thân ôm ta, nhìn lên những bông pháo hoa lấp lánh trên trời, nói: “Sau này, Đường Đường của chúng ta cũng sẽ tỏa sáng rực rỡ như những bông pháo hoa này.”
Ta cười, nhìn mẫu thân.
Bà hôn lên trán ta một cái.
“Cảm ơn con vì đã đến với gia đình chúng ta.”
Ta chưa từng hỏi họ rằng có phải vì ta giúp gia đình kiếm tiền mà mọi người mới yêu quý ta như vậy không.
Vì ta biết, ngay từ đầu khi họ nhận nuôi ta, họ không hề có tư tâm gì.
Chỉ thế thôi là đủ rồi.
Tình yêu, vốn dĩ nên là sự trao đi và nhận lại từ cả hai phía.
Theo phong tục địa phương, ngày mồng một Tết không ai đến thăm hỏi họ hàng, đóng cửa từ chối khách, chỉ ở nhà ăn uống và vui chơi cùng gia đình.
Ngày này, niềm vui lớn nhất của cả nhà ta chính là đếm tiền!
Thời gian qua, cả gia đình đều bận rộn mà chưa có dịp đếm kỹ số tiền kiếm được.
Mỗi người trong nhà đều góp phần vào việc kiếm tiền, và phụ mẫu ta không giấu diếm điều gì.
Phụ thân đem túi tiền lớn ra, đổ xuống giường, tiếng bạc và đồng tiền va vào nhau “keng keng” nghe vô cùng sảng khoái!
Mẫu thân cười, véo má ta: “Nhìn con cười tươi như một tượng Phật Di Lặc vậy!”
Phụ thân cười nói: “Đường Đường là chủ lực kiếm tiền, niềm vui này là thành quả mà từ con bé mang lại!”
Ta gật đầu hưởng ứng: “Phụ thân nói đúng!”
Mẫu thân chỉ vào đống bạc trên giường, bảo: “Được rồi, chúng ta cùng nhau đếm tiền nào!”
“Một lượng, hai lượng, ba lượng…”
“Một văn, hai văn, ba văn…”
“… Chín mươi chín văn…”
Chương 7
Từng nắm bạc, từng đồng lẻ, chúng ta đếm suốt gần một nén nhang.
Một trăm văn tiền là một quan tiền, mười quan tiền là một lượng bạc.
Tổng cộng chúng ta kiếm được ba trăm sáu mươi bảy lượng bốn quan chín mươi hai văn tiền.
Mẫu thân cẩn thận chia số tiền vào từng túi nhỏ.
“Phụ mẫu, năm nay nhà ta kiếm được nhiều tiền, có thể cho thêm tiền mừng tuổi không?” Nhị ca hỏi với vẻ đầy mong đợi.
Ta ngồi trong lòng mẫu thân, độc chiếm sự yêu thương, nói: “Mẫu thân, con cũng muốn thật nhiều tiền mừng tuổi!”
Mẫu thân xoa đầu ta, cười dịu dàng: “Được, tiền mừng tuổi của Đường Đường sẽ nhiều hơn của bốn ca ca cộng lại!”
“Ôi, mẫu thân thiên vị quá!”
“Mẫu thân trọng nữ khinh nam rồi!”
“Đúng là áo bông nhỏ được cưng chiều nhất!”
Ba người ca ca giả vờ ghen tị, trêu chọc.
Đại ca xoa nhẹ đầu ta, cười nói: “Dù có nhiều gấp mười hay gấp trăm lần của bọn ta, Đường Đường vẫn xứng đáng mà!”
Sang ngày mồng hai, chúng ta bắt đầu đi chúc Tết họ hàng.
Sáng sớm, cả nhà dậy để chúc Tết phụ mẫu.
Bắt đầu từ đại ca: “Con trai chúc phụ mẫu năm mới cát tường như ý!”
Mẫu thân đưa cho đại ca chiếc túi đỏ thêu tên của huynh ấy, nói: “Con là đại ca, phải như phụ thân trong nhà, gánh vác trách nhiệm chăm sóc các đệ đệ và muội muội.”
Đại ca kính cẩn đáp: “Con ghi nhớ, cảm ơn mẫu thân.”
Đến lượt nhị ca, mẫu thân dặn dò: “Tiền mừng tuổi không nhiều, nhưng vẫn nhiều hơn mọi năm. Làm người không nên tham lam, biết đủ là vui.”
Mẫu thân khuyên tam ca: “Con hãy nhớ những khó khăn đã trải qua, trân trọng những gì đang có. Nhớ những ngày khổ mà biết ơn sự ngọt bùi, cần cù tiết kiệm.”
Với tứ ca, bà nhẹ nhàng nói: “Tương lai, nếu có tiền, con phải giúp đỡ những người dân nghèo khó.”
Mẫu thân luôn đau lòng vì tứ ca mắc bệnh về mắt.
Nhưng nhà chúng ta rất nghèo, chỉ đủ lo cái ăn cái mặc.
Chắc hẳn mẫu thân đã từng nghĩ, nếu có người hảo tâm giúp đỡ, có thể chữa lành mắt cho tứ ca và chữa bệnh cho phụ thân thì tốt biết bao.
Khi đến lượt ta chúc Tết, mẫu thân ân cần nói: “Đường Đường của chúng ta vừa hiền lành, thông minh lại chăm chỉ. Mẫu thân mong con suốt đời được thuận buồm xuôi gió, hạnh phúc viên mãn và sống lâu trăm tuổi!”
“Con cảm ơn mẫu thân.”
Mẫu thân đưa cho ta một chiếc túi đỏ hình cá chép, khác với túi của các ca ca.
Nó tượng trưng cho sự dư dả quanh năm và may mắn liên tục.
Trên túi thêu tên đại danh và tiểu danh của ta, bên trong đựng đầy bạc vụn và tiền đồng.
Nhưng tình cảm và sự yêu thương của mẫu thân dành cho ta mới là điều quý giá nhất.
Chúng ta thay áo mới, chuẩn bị đến nhà ngoại chúc Tết.
Tứ ca vuốt ve bộ y phục mới, hỏi ta: “Muội muội, huynh mặc bộ này có đẹp không?”
Ta biết rằng đôi mắt của huynh ấy không thể nhìn rõ được màu sắc.
“Áo gấm xanh rất hợp với nước da của tứ ca, huynh trông giống như… như những gì thầy kể chuyện nói, gì mà ‘như ngọc’… gì mà ‘vô song’ ấy!”
Tứ ca liền tiếp lời: “Người trên đường tựa ngọc, công tử trong thiên hạ vô song!”
Ta nhanh chóng gật đầu: “Đúng rồi, đúng rồi…”
Nghe vậy, tứ ca vui sướng chạy ra ngoài để khoe bộ đồ mới.
Nhị ca nhìn ta, vẻ mặt đầy ghen tị: “Y phục của huynh đệ bọn ta đều là hàng may sẵn, chỉ riêng Đường Đường được mẫu thân tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ mà khâu cho.”
Đại ca cười nhẹ, đôi mắt ánh lên vẻ dịu dàng của một thiếu niên: “Mẫu thân bảo rằng Đường Đường có làn da trắng hồng, dễ thương, nên nhất định phải may cho con bé một bộ đồ thật đẹp và nổi bật.”
Ta mặc chiếc váy dài màu trắng ngà, bên trong lót bông mềm, ấm áp.
Trên tà váy thêu những đóa mẫu đơn lớn, thêu rất tinh xảo, sống động như thật. Phía ngoài ta khoác một chiếc áo choàng màu hồng đào, vừa đậm vừa nhạt hài hòa.
Tam ca mỉm cười: “Quả thật rất đẹp và nổi bật.”
Nhị ca cũng gật đầu: “Ừ, nhìn là biết mẫu thân dồn hết tâm tư cho con gái rồi!”
Đến nhà ngoại tổ phụ.
Ngoại tổ mẫu, các cữu cữu và cữu mẫu đưa cho ta phong bao lì xì lớn nhất trong tất cả các biểu ca, biểu tỷ.
Chúng ta quây quần bên bếp lửa lớn, vui vẻ ăn bữa cơm đoàn viên ấm áp.
Hương vị của khói lửa và hơi nóng của món ăn ngập tràn khắp gian bếp, làm lòng người cảm thấy thật ấm cúng.
Sau Tết, ta nghĩ ra một cách “bán hàng” hiệu quả và quy củ hơn.
Lần trước, chúng ta đã thu thập được thông tin địa chỉ của từng nhà trong thành.
Phương thức bán hàng ở trong thành sẽ là: vừa giao hàng tận nhà, vừa cho phép khách “đặt trước” hàng hóa.
Ở thôn làng sẽ là: thay vì đi bán hàng tận nhà như trước, chúng ta sẽ chọn một hộ gia đình làm điểm bán cố định. Hàng hóa sẽ được giao đến nhà đó, và người dân trong thôn có thể đến mua hoặc đặt hàng tại đó. Gia đình này sẽ giúp bán hàng cho chúng ta và nhận một phần tiền lời từ số hàng họ bán được.
Chương 8
Ta và phụ thân đi đàm phán với các gia đình trong thôn.
Vài ngày sau, mọi việc đều đã được thu xếp ổn thỏa.
Ở trong thành, ta bắt đầu hẹn gặp một số nữ chủ nhân của các gia đình giàu có.
Mẫu thân ta có tài năng thiên bẩm về việc thêu thùa, nữ công gia chánh, nhưng bà cũng là trụ cột trong gia đình.
Ta đề xuất rằng:
Chúng ta có thể thuê các thợ thêu giỏi ở các thôn làng, giao cho mẫu thân quản lý.
Mẫu thân sẽ phụ trách đưa ra “ý tưởng” và mẫu thêu.
Phần còn lại sẽ do các thợ thêu hoàn thành.
Chúng ta sẽ mua các loại vải phù hợp với nhu cầu sản xuất.
Vì vậy, chúng ta mua đất để mở rộng và xây dựng.
Trước tiên, ta cho dựng các căn nhà gỗ tạm thời để kịp bắt đầu công việc.
Đến Tết Nguyên Tiêu, mọi thứ đã đi vào guồng.
Phụ thân và mẫu thân gửi các ca ca vào tư thục để học hành.
Đồng thời mời thầy về dạy chữ cho ta.
Phụ thân nói: “Chưởng quầy Đường Đường, con vẫn là người quyết định việc kinh doanh, nhưng không được bỏ bê việc học.”
Mẫu thân bảo: “Đường Đường, con phải chăm chỉ học hành, để sau này trở thành một nữ tử vừa tài năng vừa đức hạnh.”
Ta không thể cãi lại họ.
Trong khoảng thời gian đó, phụ thân và tứ ca vào thành để chữa bệnh.
Tứ ca uống thuốc một tháng và bệnh về mắt đã được chữa khỏi, có thể nhìn rõ mọi vật và màu sắc.
Tuy nhiên, vết thương ở chân của phụ thân là bệnh cũ, dù uống thuốc và bôi thuốc cũng chỉ giúp giảm đau, vẫn bị khập khiễng.
Đại ca nói rằng có thể đưa phụ thân đến kinh đô để tìm thầy thuốc giỏi hơn.
Nhưng phụ thân lại không thể rời xa việc kinh doanh của gia đình.
Đến giữa năm, trong lúc nhị cữu đi giao hàng, ông đã cứu một vị thầy thuốc đang bị sói rượt trong núi.
Người đó là một lão thần y từ kinh đô đến!
Thầy thuốc bị sói đuổi, bị thương ngoài da, nên không thể tiếp tục hành trình.
Nhà ngoại tổ phụ không có chỗ trống, bèn đưa lão thần y đến ở nhà ta.
Chúng ta hết lòng chăm sóc ông ấy.
Vài ngày sau, khi thần y đã hồi phục, ông bắt đầu chữa bệnh cho phụ thân ta.
Ông nói rằng chân của phụ thân có thể chữa khỏi, nếu chữa lành thì sẽ đi lại bình thường như bao người khác.
Nhưng cần phải bẻ xương và nắn lại từ đầu, quá trình này rất đau đớn.
Phụ thân không chút do dự, liền đồng ý ngay.
May mắn thay, thần y đã dùng một ít thuốc gây tê để giúp phụ thân giảm bớt cơn đau.
Thần y nói rằng ông đến từ phương xa, mục đích là để tìm một loại dược liệu chỉ mọc trên núi ở Hải Thành.
Vì vậy, ông đã thuê một thanh niên trong thôn bảo vệ và đi theo vào núi hái thuốc.
Một ngày nọ, thần y nghe nhị cữu mẫu nói rằng ta không phải con ruột của phụ mẫu ta.
Sau đó, ông đến gặp ta.
Ông vừa nhìn vừa lẩm bẩm: “Đúng là giống, thật sự rất giống…”
Ta hỏi ông: “Lão thần y, có chuyện gì vậy ạ?”
Nhưng ông không nói gì cả.
Sau khi ở lại đúng một tháng, thần y chào từ biệt chúng ta và quay về kinh đô.
Hơn một tháng sau, nhà ta bất ngờ đón tiếp một vị quý nhân.
Hai cỗ xe ngựa lớn, hàng dài thị vệ cưỡi ngựa theo sau, khí thế vô cùng oai vệ.
Từ xe ngựa bước xuống một người phụ nữ vô cùng xinh đẹp.
Bà khoác lên mình một bộ y phục lụa màu tím nhạt, tóc vấn gọn gàng với cây trâm tua rua hình hoa đào, toát lên sự trang nhã và quý phái tự nhiên, thần thái cao sang vượt trội.
Phụ thân và mẫu thân thấy vậy, lập tức tiến lên nghênh đón.
Một bà lão ăn vận như nhũ mẫu bên cạnh vị quý nhân bước đến gần phụ thân mẫu thân ta, thì thầm vài câu.
Ngay lập tức, sắc mặt phụ thân và mẫu thân thoáng biến đổi, họ vội vàng muốn quỳ xuống hành lễ.
Người phụ nữ xinh đẹp ấy vội ngăn lại, mỉm cười nói: “Phiền hai vị tìm cho ta một chỗ để tiện nói chuyện.”
Phụ thân và mẫu thân bèn mời bà vào gian chính.
Chừng nửa nén nhang sau, mẫu thân gọi ta vào phòng.
Người phụ nữ xinh đẹp quay lại nhìn ta, lập tức sững sờ.
Chỉ trong giây lát, mắt bà đỏ hoe.
Mẫu thân nắm tay ta, dẫn đến trước mặt bà, nói: “Lại đây, chào hỏi Trưởng Công chúa điện hạ.”
Trưởng Công chúa?
Ta nhớ tứ ca từng nói, Trưởng Công chúa là tỷ tỷ của đương kim Hoàng đế.
Ta ngoan ngoãn quỳ xuống, vụng về hành lễ: “Dân nữ bái kiến Trưởng Công chúa điện hạ.”
“Đứng lên, mau đứng lên.” Bà vội vàng đỡ ta dậy.
Rồi bà run rẩy đưa tay ra, như muốn chạm vào mặt ta.
Theo phản xạ, ta lùi lại một chút…
Bàn tay bà chững lại, vẻ mặt buồn bã nhưng đầy khẩn thiết: “Ta là mẫu thân của con… là mẫu thân ruột của con.”
Ta ngỡ ngàng, ngước nhìn bà, hỏi: “Là lão thần y đã nói cho người biết sao?”
Bà khẽ gật đầu: “Khi ta còn nhỏ, ta thường xuyên ốm yếu bệnh tật, may nhờ có Trầm ngự y… chính là lão thần y con nói, ông đã chữa trị cho ta. Còn con, dung mạo vô cùng giống ta khi ta còn nhỏ.”
Chương 9
Thì ra là vậy.
Phụ thân và mẫu thân ta nhìn nhau, lúng túng không biết phải nói gì.
Mặc dù câu chuyện này thật khó tin, nhưng họ không dám phản đối.
Tuy nhiên, mẫu thân ta sau một hồi do dự, vẫn lên tiếng: “Dân phụ hiểu rằng điện hạ đang rất mong mỏi tìm con, nhưng chỉ dựa vào ngoại hình để nhận con thì có phần…”
“Đương nhiên không chỉ dựa vào điều đó.”
Trưởng Công chúa nhìn sang mẫu thân ta, hỏi: “Con gái nhỏ của ta có một vết bớt hình hoa mai với ba nốt đỏ ở mặt trong đùi trái.”
Nghe đến đây, mắt mẫu thân ta trợn tròn kinh ngạc!
Dù ta còn nhỏ, nhưng cũng là một cô gái, nên chỉ có ta và hai người mẹ nuôi mới biết về vết bớt này.
Trưởng Công chúa kể rằng, sáu năm trước, bà mang theo con gái út mới hơn sáu tháng tuổi, cùng Phò mã trở về Thanh Châu Cốc Thành để tế tổ.
Trên đường đi, họ bị bọn cướp tấn công. Trong lúc hỗn loạn, đoàn người phải chia làm hai ngả.
Phò mã dẫn theo một nhóm người nhằm đánh lạc hướng bọn cướp, còn Trưởng Công chúa cùng với nhũ mẫu, v.ú nuôi và một số vệ sĩ đi theo hướng khác.
Tuy nhiên, một số tên trong bọn cướp vẫn đuổi theo họ.
Những vệ sĩ và nhũ mẫu đều bị g.i.ế.t, Trưởng Công chúa buộc phải để v.ú nuôi mang ta bỏ trốn, còn bà tự mình dụ bọn cướp đi.
Sau đó, Phò mã tìm thấy Trưởng Công chúa tại Thủy Thành, nơi bà bị rơi xuống sông và được ngư dân cứu sống.
Còn ta và v.ú nuôi thì mất tích không rõ tung tích.
“Chúng ta đã tìm kiếm nhiều năm, cho đến khi Trầm ngự y mang tin tức của con đến cho ta. Ta đã cử người đến Hải Thành và cuối cùng phát hiện bà v.ú nuôi ấy từng đến thôn Hạnh Hoa ở Hải Thành, biểu đệ của bà ở đó.”
“Thôn Hạnh Hoa?” Ta liếc nhìn phụ thân, rồi nói: “Thôn Hạnh Hoa nằm ngay sau núi của thôn Trường Lưu.”
Trưởng Công chúa nói: “Hai ngày trước, ta mới nhận được tin. Biểu đệ của v.ú nuôi nói rằng, ngày hôm sau, khi mã phu đưa v.ú nuôi đến, bà ấy đã qua đời.”
Vì vậy, v.ú nuôi không kịp tiết lộ thân phận của ta cho biểu đệ của bà biết.
Gia đình biểu đệ bà cho rằng ta là gánh nặng, nên đã vứt bỏ ta trong rừng.
Hải Thành thuộc Thanh Châu, nhưng lại cách xa Thủy Thành, nơi xảy ra sự việc.
Họ không ngờ rằng ta lại sống sót và ở lại Hải Thành.
Sau nhiều chứng cứ được xác nhận, ta đích thực là con gái của Trưởng Công chúa.
Trưởng Công chúa vừa áy náy vừa thương xót hỏi ta: “Những năm qua, con đã phải chịu nhiều khổ cực lắm phải không?”
Ta lắc đầu, đáp: “Hai người phụ mẫu trước đây đã cứu con, nếu không, con đã mất mạng trong miệng thú dữ rồi. Sau đó, con lại gặp được phụ mẫu hiện tại, họ đối xử với con rất tốt.”
Trưởng Công chúa nghe vậy, gương mặt hiện lên vẻ an ủi, nhẹ nhõm.
Bà đứng dậy, vén váy rồi quỳ xuống, chuẩn bị hành đại lễ trước phụ thân và mẫu thân của ta.
“Điện hạ, xin người đừng làm vậy…”
Phụ thân và mẫu thân ta hoảng sợ, vội vã đỡ bà dậy.
Tuy nhiên, Trưởng Công chúa vẫn kiên quyết quỳ xuống, thực hiện ba lạy và ba cái dập đầu.
Bà nói: “Con gái ta quý giá như sinh mạng của ta, hai vị ân nhân hoàn toàn xứng đáng với đại lễ này.”
“Biết được tin của con, ta không thể chờ đợi thêm một khắc nào nữa, lập tức lên đường đến đây. Ca ca và tỷ tỷ của con không có nhà, nên không kịp đi cùng ta.”
Bà kể rằng, bà và Phò mã vô cùng hòa hợp, tình cảm phu thê sâu nặng.
Ta có một người tỷ tỷ và một người ca ca, đều là con chung của Phò mã và Trưởng Công chúa.
“Bọn con mang họ Lục, gia tộc họ Lục thuộc dòng thương nhân, hiện nay là hoàng thương. Phụ thân con, Lục Trường Phong, thông minh xuất chúng, rất giỏi về kinh doanh và quản lý tài chính.”
Phụ thân và mẫu thân ta nghe vậy, như bừng tỉnh: “Thảo nào, Đường Đường quả là có năng khiếu thiên bẩm về kinh doanh và tính toán!”
Trưởng Công chúa nhẹ nhàng vuốt mái đầu ta, nói: “Đại tỷ của con cũng rất giỏi trong lĩnh vực này. Còn đại ca con lại đặc biệt yêu thích võ thuật, một lòng chăm chỉ luyện võ.”
Tình cảnh này khiến phụ thân và mẫu thân không khỏi lộ vẻ lưu luyến.
Họ vui mừng vì ta đã tìm được thân nhân, nhưng lại không muốn rời xa ta.
Vì thế, ta nói với họ rằng ta không muốn rời xa phụ thân, mẫu thân, không muốn rời xa gia đình này.
Nếu một ngày nào đó, khi thời điểm thích hợp, có lẽ chúng ta sẽ cùng nhau lên kinh đô.
Trưởng Công chúa im lặng hồi lâu.
Sau đó, bà vừa không nỡ vừa đầy sự an ủi, nói: “Ta rất vui khi con là một đứa trẻ hiền lành, biết ơn. Mẫu thân đồng ý để con ở lại, nhưng có hai điều kiện.”
Ta ngước mắt nhìn bà: “Người nói đi ạ.”
Bà nói: “Thứ nhất, con phải chấp nhận việc ta sẽ sắp xếp thầy và nhũ mẫu dạy dỗ con. Yên tâm, họ chỉ có nhiệm vụ dạy dỗ và chăm sóc con, sẽ không can thiệp vào cuộc sống của con.”
“Thứ hai, mỗi năm vào dịp lễ Tết, con phải về kinh đô ở với chúng ta.”
Bà quay sang nhìn phụ thân, mẫu thân ta, nói: “Dù rằng công ơn dưỡng dục lớn hơn công ơn sinh thành, nhưng nó cũng là m.á.u thịt của ta.”
Chương 10
Thực ra, hai điều kiện này không hề khắt khe.
Ta hoàn toàn có thể chấp nhận.
Phụ thân và mẫu thân ta cũng vội vàng nói: “Điều đó là lẽ dĩ nhiên rồi.”
Trưởng Công chúa ở đây, ăn ở và sinh hoạt đều không quen.
Thế nhưng, vì muốn ở bên ta nhiều hơn, bà cố gắng chịu đựng mọi sự bất tiện.
Vài ngày sau, ta nói với bà: “Mẫu thân, người hãy về kinh trước đi. Năm nay con sẽ vào kinh sớm hơn để thăm mọi người, ở bên người nhiều hơn.”
Bà mỉm cười, đồng ý.
Bà còn nói rằng một thời gian nữa, ca ca của ta sẽ đến thăm ta.
Lúc bà sắp rời đi, dù phụ thân và mẫu thân ta đã hết lời từ chối, nhưng bà vẫn để lại ba vạn lượng ngân phiếu và một hòm đầy trang sức, châu báu.
Trang sức, châu báu là dành cho mẫu thân ta, vì ta còn nhỏ, chưa cần dùng đến những thứ đó.
Nhưng có tiền rồi, ta có thể mở rộng việc kinh doanh!
Mùa thu vừa mới đến, ca ca của ta – Lục Chấp Ngôn, đã đưa thầy dạy và nhũ mẫu đến nhà.
Ca ca cao lớn, khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng, năm nay mười hai tuổi, bằng tuổi nhị ca ta và hai người họ rất hợp nhau.
Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, huynh ấy đã kết thân với nhị ca và biểu ca nhỏ, là con của đại cữu, cả ba trở thành những huynh đệ chí cốt. Họ suốt ngày lên núi bắt chim, xuống suối bắt cá, bắt rùa, chơi đùa không biết mệt.
Huynh ấy nói rằng ta là muội muội của huynh ấy, nên nhà của ta chính là nhà của huynh ấy.
Ở đây nửa tháng, huynh ấy gọi phụ thân và mẫu thân còn trôi chảy hơn cả ta, không hề coi mình là người ngoài.
Tuy nhiên, ngoài nhị ca ta ra, không ai dám vô tư với huynh ấy như vậy. Mọi người đều cung kính gọi huynh ấy là “Thế tử.”
Đúng như mẫu thân đã nói, ca ca ta rất yêu thích võ thuật và cũng có thiên phú đặc biệt.
Dù tuổi còn nhỏ, nhưng võ công của ca ca thật không tầm thường.
Nhị ca ta vốn có sức mạnh, lại tinh nghịch, hiếu động.
Giờ có ca ca chỉ dạy, võ công của nhị ca đã bắt đầu ra dáng.
Nhị ca tuyên bố, sau khi học thành tài, huynh ấy sẽ mở một tiêu cục.
Từ đó, hàng hóa trong nhà sẽ được tiêu cục của huynh ấy hộ tống!
Vì lý tưởng này, nhị ca đã chính thức bái ca ca của ta, người chỉ lớn hơn mình hai tháng làm sư phụ.
Ca ca của ta vui mừng nhận “đại đồ đệ” này… à không, “đồ đệ giỏi” này.
Huynh ấy rất phấn khởi, bởi võ công của huynh ấy được học từ hai cao thủ hàng đầu: cao thủ Đại Nội Lý công công và Ngự tiền thị vệ của Yến quốc – Nghiêm Tụng, cả hai đều là những người đứng đầu về võ công.
Những bậc thầy như vậy không phải ai cũng có thể mời dạy được, và không phải ai cũng có cơ hội học.
Ca ca hứa rằng, sau khi trở về kinh, huynh ấy sẽ chăm chỉ luyện tập võ thuật nhiều hơn nữa, rồi sẽ trở lại để tiếp tục truyền dạy cho đồ đệ của mình.
“Muội muội, chúng ta đến rồi.”
Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết, nhưng phủ Trưởng Công chúa đã giăng đèn kết hoa, trông vô cùng rực rỡ và vui tươi.
Ca ca bế ta xuống khỏi xe ngựa, người quản lý trong phủ nhanh chóng ra đón tiếp: “Thế tử, Nhị Quận chúa!”
Huynh ấy nắm tay dẫn ta vào phủ.
Ta tò mò nhìn ngắm xung quanh, đôi mắt không ngừng dõi theo những khung cảnh lộng lẫy.
Huynh ấy cười hỏi: “Muội đang nhìn gì thế?”
Ta đáp: “Chỗ nào muội cũng nhìn. Một cô bé từ nông thôn chưa từng thấy ngôi nhà nào đẹp như vậy!”
Những mái ngói xanh biếc, cột đỏ sừng sững, những hoa văn chạm khắc tinh xảo, tất cả đều toát lên vẻ nguy nga, tráng lệ.
Ca ca vừa thương vừa buồn cười, nói: “Đây là nhà của muội, sau này sẽ dần quen thôi.”
Ta gật đầu: “Vâng.”
Người trong gia tộc họ Lục đã tề tựu đông đủ trong chính đường để chờ đón ta.
Mẫu thân nắm lấy tay ta, lần lượt giới thiệu từng người cho ta.
Ta ngoan ngoãn chào hỏi từng người một.
Mỗi lần chào hỏi một người, ta lại được nhận một món quà.
Đại tỷ khác hẳn tính cách của ca ca, trầm tĩnh và điềm đạm.
Nhưng khi nàng ôm ta vào lòng, ánh mắt nàng đầy ắp sự yêu thương.
Nàng vuốt ve khuôn mặt nhỏ nhắn của ta, mỉm cười nói: “Nhìn cục bông nhỏ này mà xem, dung mạo giống hệt mẫu thân, đúng là một mỹ nhân tương lai!”
Tổ mẫu liền sốt sắng đưa tay ra, nói: “Mau, để ta ôm cục cưng này một cái!”
Ta lần lượt được mọi người trong nhà bồng bế.
Hơn một năm qua, ta được nuôi dưỡng đầy đặn, trắng trẻo.
Ca ca tập võ, nên việc bế ta rất nhẹ nhàng.
Nhưng những người khác cũng tranh nhau bế ta, chẳng ai ngại ngần việc bế một cô bé tròn trịa như ta cả!
Mặc dù ta thông minh bẩm sinh, nhưng suy cho cùng ta vẫn chỉ là một đứa bé tám tuổi.
Ta tham ăn, không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của những món ăn ngon.
Chương 11
Hai tháng sau, ta quay về quê nhà với vài cân mỡ thừa và hai cuốn sách: “Kinh Thương Chi Đạo” và “Trù Toán Tân Pháp” do phụ thân và đại tỷ tốn bao tâm huyết biên soạn.
Kể từ đó, mỗi năm ta lại vào kinh một lần.
Phụ thân và đại tỷ đều dạy ta về kinh doanh và tính toán, giúp ta học hỏi được rất nhiều điều quý giá.
Trong mười năm, ta đã đưa gia đình họ Thẩm lên vị trí giàu có nhất ở Thanh Châu, và ta cũng trở thành nữ chủ nhân lừng lẫy khắp nơi.
Trong suốt mười năm ấy, chúng ta luôn ghi nhớ lời dạy của phụ thân và mẫu thân, thường xuyên mở kho cứu trợ, phát lương thực cho dân nghèo và người tị nạn.
Chúng ta còn góp tiền và công sức để giúp Tri phủ Thanh Châu xây cầu, làm đường, phát triển kinh tế và xây dựng Thanh Châu, mang đến sự thịnh vượng cho toàn vùng.
Nhờ những đóng góp đó, Hoàng thượng ban cho ta danh hiệu “Thanh Hòa Huyện chủ.”
Các ca ca của ta cũng trưởng thành và trở thành những thanh niên tài giỏi.
Đại ca thông minh, uy nghiêm, là cánh tay đắc lực của ta và là người đứng thứ hai trong Thẩm gia.
Nhị ca võ nghệ xuất sắc, đã mở tiêu cục và trở thành tổng tiêu đầu của tiêu cục.
Tam ca trầm tĩnh, hiền hòa, luôn đối đãi với mọi người thân thiện, là người quản lý nhân sự và các công việc lặt vặt trong nhà.
Tứ ca không giỏi kinh doanh, nhưng lại say mê học hành. Năm hai mươi tuổi, huynh ấy thi đỗ đầu bảng trong kỳ thi Hương, rồi lọt vào top ba trong kỳ thi Hội.
Trong kỳ thi Đình, nhờ dung mạo tuấn tú, huynh ấy được ban danh hiệu Thám hoa lang.
Hoàng thượng còn ban hôn cho huynh ấy với con gái của Thừa tướng, phong huynh làm Lại Bộ Viên Ngoại lang, quan chức từ lục phẩm.
Thẩm gia chúng ta thật sự đã gặp được vận may lớn!
…
Năm ta mười chín tuổi, nhiều vùng ở Thanh Châu gặp phải trận lũ lụt lớn.
Lúc ấy, gia đình ta vừa chuyển đến thành Thanh Châu.
Ta đích thân tham gia công việc cứu trợ của quan phủ, đi đến Hải Thành.
Ta mở kho phát lương, dựng nhà tạm và lo việc ổn định cho dân tị nạn.
“Đừng vội, xếp hàng lần lượt, mỗi người sẽ có một bát cháo, một bát rau và hai cái bánh bao.”
Dân tị nạn xếp hàng nhận phần ăn.
Thế nhưng, khi một người phụ nữ đến gần ta để nhận cháo, bà ta thoáng sững sờ khi nhìn thấy ta… rồi đột ngột thu tay lại, quay đầu bỏ chạy như muốn trốn tránh.
“Bà chủ, người phụ nữ đó sao vậy?”
Ta lắc đầu: “Ta không biết…”
Bỗng nhiên, ta nhớ lại ánh mắt bà khi nhìn ta trước lúc rời đi…
“Thẩm tam, Thẩm tứ, các ngươi múc đủ cháo và rau cho năm sáu người, đi theo ta.”
Ta lấy một giỏ bánh bao đầy, rồi đi tìm bà ta.
Ta tìm thấy họ trong đám người tị nạn.
“Đặt ở đây.”
Ta bảo hạ nhân đặt cháo và rau xuống, đồng thời để cả giỏ bánh bao bên cạnh.
“Nhiều thế này… Cảm ơn cô nương, cảm ơn ân nhân!” Một người đàn ông trung niên dẫn theo hai cậu thiếu niên cúi đầu cảm tạ ta.
“Ông đứng lên đi.”
Ta đỡ ông ấy đứng dậy. Miệng ông không ngừng cảm ơn, tay thì giục hai đứa trẻ mau ăn.
Chỉ riêng bà ấy là vẫn ngồi quay lưng lại phía ta.
“Bà nó ơi, ăn đi… Ủa? Sao bà cứ ngồi đờ ra đó vậy?”
Người đàn ông mất kiên nhẫn, kéo bà xoay người lại.
Bà vội vàng ngước lên nhìn ta, ánh mắt bối rối.
Ta nghĩ rằng bà sẽ tiếp tục giả vờ không quen biết, nhưng không, bà bỗng bật khóc, gục xuống đất:
“Ta đã nghĩ rằng con đã chec rồi, tưởng rằng con đã mất… Xin lỗi, xin lỗi con…”
Người đàn ông thoáng ngỡ ngàng, sau khi quan sát kỹ, cuối cùng cũng nhận ra ta: “Cô… cô là…”
“Ông bà không cần phải làm vậy, đứng lên đi.” Ta thở dài nhẹ nhõm, đỡ bà ấy đứng dậy, rồi nói: “Đêm hôm đó, ta may mắn được một cặp phu phụ tốt bụng cứu giúp. Họ đã yêu thương ta như con ruột, cho đến khi ta lớn lên như ngày hôm nay.”
Bà ấy nước mắt lưng tròng, ngỡ ngàng nhìn ta: “Con… con không hận ta sao?”
Ta lấy khăn tay ra, nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt trên gương mặt bà.
“Khi ấy, mẫu thân hiện tại của ta từng nói rằng, ta và ông bà chỉ là có duyên nhưng không phận, không cần phải buồn lòng hay canh cánh trong lòng.”
Ta có thể đối xử tử tế với những người xa lạ, huống chi là với họ?
Mặc dù họ đã bỏ rơi ta, nhưng trước đó họ cũng từng cứu ta khỏi cái chec và nuôi nấng ta suốt vài năm.
Trước đây, ta không tìm đến họ, thật ra vì đã biết họ sống khá giả.
Nhưng giờ đây, khi họ gặp nạn, cuộc sống khó khăn và phiêu bạt không nơi nương tựa, ta không thể làm ngơ.
Kể từ ngày đó, mỗi ngày ta đều đích thân mang thêm thức ăn và đồ dùng đến cho họ.
Nửa tháng sau, khi công việc cứu trợ hoàn tất và dân tị nạn được đưa về quê, ta sắp xếp mua một chiếc xe ngựa để đưa họ về làng.
Trước lúc chia tay, ta đưa cho bà một túi đồ.
Bên trong có năm trăm lượng bạc vụn và một số trang sức bằng vàng, ngọc.
“Sau này, nếu có khó khăn, cứ đến tìm ta ở nhà họ Thẩm.”
Ai cũng biết, lần mở kho phát lương thực cứu trợ này là do gia tộc họ Thẩm, gia đình giàu có nhất Thanh Châu thực hiện.
Thế nhưng, năm này đến qua năm khác trôi qua, vẫn chưa có ai mang họ Đường đến tìm ta.
hết
Comments for chapter "chương 1 full"
MANGA DISCUSSION
Top Truyện Hay Nhất
Hệ thống trà xanh rất biết làm việc
Thể loại: Chữa Lành, Cổ Đại, Hài Hước, Hệ Thống, Ngôn tình, Ngọt, Vô Tri, Xuyên Sách0
TRỌNG SINH LÀM BẢO BỐI CỦA MẸ!
Thể loại: Chữa Lành, Gia Đình, Hài Hước, Hiện Đại, Trả Thù, Trọng Sinh, Vả Mặt0
Ngày Tháng Nhận Kẻ Thù Làm Mẹ Của Công Chúa
Thể loại: Cổ Đại, Cung Đấu, Đoản Văn, Hành Động, HE, Nữ Cường, Phương Đông, Tiểu Thuyết, Trả Thù, Vả Mặt5
Hình Dáng Của Tình Yêu
Thể loại: Chữa Lành, Hài Hước, HE, Hiện Đại, Ngôn tình, Ngọt, Sủng, Thanh Xuân Vườn Trường0